Tt

Mạo hiểm ăn ốc biển lạ có ngày tử vong

5/30/2017 8:05:34 AM


Mạo hiểm ăn ốc biển lạ có ngày tử vong

"Người dân không nên mạo hiểm bắt những loài ốc biển lạ về ăn mà không rõ lai lịch của chúng. Bởi ngoài biển có hàng trăm hàng ngàn loài ốc khác nhau" - PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, đơn vị này đã tiếp nhận gia đình ông Can  ở xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong trong tình trạng đau bụng, nôn ói, riêng cậu con trai rơi vào trạng thái lơ mơ, thở mệt, đồng tử giãn và trong tình trạng nguy kịch do ăn phải một loại ốc biển lạ mà gia đình không biết tên. Hiện cháu bé vẫn phải thở máy và theo dõi đặc biệt.

Con ốc biển lạ mà gia đình ông Can ăn dẫn đến bị ngộ độc. Ảnh: Báo Bình Thuận
 
Sau khi tỉnh lại, ông Can cho biết, chính ông không biết loại ốc này tên gì, nhưng thường xuyên lượm về luộc cho cả nhà ăn không sao. Đến ngày 16/5, ông lượm được hơn 30 con về luộc cho cả nhà cùng ăn như mọi khi thì xảy ra chuyện.
Một trường hợp nghiêm trọng hơn đó là vào đầu tháng 11/2014, bệnh nhân Lê Văn D. 26 tuổi ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tử vong vì bị ngộ độc nặng sau khi ăn một loại ốc lạ đánh bắt được ngoài biển. Theo gia đình nạn nhân, anh D ra biển đánh bắt được một mớ ốc rồi mang về luộc và ăn, trong đó có một con ốc có hình thù lạ nên bị tê lưỡi, hôn mê… Gia đình lập tức đưa anh D. vào bệnh viện huyện rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh, kèm mẫu vật con ốc đã ăn.
Ngay sau đó, Viện Hải dương học Nha Trang đưa đi kiểm nghiệm và cho kết luận rằng, mẫu vật ốc biển mà anh D ăn là ốc bùn bống, tên khoa học là Nassarius, độc tố trong mẫu vật này là Tetrodotoxin. Ốc bùn bống loại ốc thường sinh sống ở đáy biển ven bờ Việt Nam. Tetrodotoxin là loại độc tố thần kinh cực mạnh, cấu trúc đặc biệt nên không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao.
Một trường hợp khác cũng do ăn ốc biển lạ mà 3 ngư dân ở Thanh Hoá đã tử vong. Đầu tháng 1/2015, 3 ngư dân tỉnh Thanh Hóa gồm ông Trần Văn Thức (45 tuổi), anh Trần Văn Dương (29 tuổi) và anh Dương Văn Tình (22 tuổi); cùng trú tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã tử vong sau khi ăn ốc trên thuyền, khi đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển Lộc Hà (Hà Tĩnh).
Sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc, Chi cục ATVSTP Thanh Hóa đã lấy mẫu những con ốc "lạ", đề nghị Cục ATTP hỗ trợ, gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia xác minh.
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quốc gia xác định, loài ốc biển khiến 3 ngư dân Thanh Hóa tử vong sau khi ăn thuộc chi Nassarius spp (một số nơi người dân gọi là ốc bùn bóng) có chứa độc tố Tetrodotoxin với hàm lượng 60mg/kg.
Ông Đỗ Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Thanh Hóa cho biết, từ kết luận của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, loài ốc bùn bóng (thuộc chi Nassarius spp) có chứa độc tố Tetrodotoxin với hàm lượng 60mg/kg là nguyên nhân dẫn tới cái chết cho 3 ngư dân sau khi ăn phải loài ốc này.
Theo ông Hòa, đây là loại độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến kể cả ở nhiệt độ cao. Độc tố vẫn tồn tại và gây độc trong thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay đóng hộp và cấp đông.
Loại độc tố này không do ốc Nassarius spp. sản sinh ra mà do một số loài vi khuẩn như Shewanella spp. và Vibrio spp. cộng sinh, sinh ra trong một số loài sinh vật biển.

Loài ốc gây ra cái chết cho 3 ngư dân Thanh Hóa.
 
Sau khi ăn phải thức ăn có chứa độc tố Tetrodotoxin, triệu chứng ngộ độc cấp tính thường xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ. Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi rồi bụng, buồn nôn, nôn khó thở, ngưng thở… Bệnh nhân suy hô hấp cấp, truy tim mạch và dẫn đến tử vong chỉ sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố Tetrodotoxin. Biện pháp cấp cứu, điều trị cần thực hiện ngay là kích thích cho bệnh nhân nôn: nôn càng sớm, càng nhiều càng tốt để thải loại độc tố ra khỏi đường tiêu hóa. 
Sau khi gây nôn có thể cho bệnh nhân uống than hoạt (nếu có). Tiếp theo cần đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt để được cứu chữa kịp thời, ông Hòa khuyến cáo.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Viện Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, người dân không nên mạo hiểm bắt những loài ốc biển lạ về ăn mà không rõ lai lịch của chúng. Bởi ngoài biển có hàng trăm hàng ngàn loài ốc khác nhau. Có nhiều loài chứa độc tố gây chết người mà chúng ta không hay biết.
Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho biết, các loài ốc biển thường sống dưới đáy, hoặc bám vào các hang đá lại là loài ăn tạp nên chúng có thể dung nạp rất nhiều thức ăn khác nhau từ thiên nhiên như bùn, xác động vật chết, rêu... không ai có thể biết được rằng các nguồn thức ăn đó là an toàn. Do đó nếu ăn ốc biển không may bị ngộ độc cũng là điều đương nhiên.
 
Minh Anh (TH)
Nguồn Trang thông tin điện tử Khỏe 365

Back To Top