Tt

Ăn nhiều dưa, cà muối nổi váng: Ung thư sẽ đến sớm hơn

5/30/2017 8:08:52 AM


Ăn nhiều dưa, cà muối nổi váng: Ung thư sẽ đến sớm hơn

Nếu ăn dưa, cà muối nổi váng kéo dài, rất có thể đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn mắc căn bệnh ung thư quái ác.
Thói quen ăn dưa cà muối của người Việt
Ngày xưa ở đồng bằng Bắc Bộ trong nhà luôn có chum tương, vại cà nén. Với người dân Bắc bộ muối cà như là món khai vị, cho dễ ăn. Và thực tế dưa, cà cung cấp chất xơ, chất kích thích tiêu hóa. Trong nước dưa cà muối đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa chín tới, không lẫn tạp khuẩn gây thối rữa, gây khú dưa, không chua quá, không còn vị cay... có trên 20 loại axit amin có lợi cho cơ thể và các loại vi sinh vật có ích cho hệ đường ruột. Thế nên dân gian mới có câu “Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản”.
Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của cà và dưa muối không nhiều. Bản thân chúng chỉ cung cấp 1 số vitamin, đường bột, một số chất khoáng, thành phần đạm cũng rất ít. Chính các cụ ngày xưa dù thích ăn dưa cà muối là vậy, nhưng cũng phải đúc rút ra rằng quả cà có chất độc qua những câu thành ngữ “1 quả cà 3 thang thuốc”, “ăn nhiều cà thì vác quốc ra đồng” ý nói nó không tốt cho sức khỏe nếu ăn nhiều.
Đặc biệt, một khi dưa cà muối đã nổi váng trắng lại gây họa khôn lường nếu tiếp tục ăn.

 
Các nhà y học đã khuyến cáo người dân khi ăn dưa, cà muối cần rửa sạch, không để dính váng.
 
Nguy cơ mắc ung thư vòm họng
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội, nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết trên trang Gia đình & Xã hội, ung thư phổi, ung thư vòm họng là những loại ung thư rất phổ biến, rất thường gặp ở Việt Nam, nhất là nam giới.
Với ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh. Thực tế qua điều trị các bệnh nhân ung thư phổi cho thấy, đa phần người bệnh có liên quan đến hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá thụ động. Dấu hiệu để nhận biết sớm ung thư phổi là gầy sút nhanh, ho dai dẳng, khó thở, đau bả vai.
Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh ung thư vòm họng, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra những người mắc bệnh bị nhiễm loại virus Epstein Barr (EBV). Loại virus này đã phân lập, thực nghiệm được và có kết quả. Do đó một số người nghĩ rằng virus này gây ra ung thư vòm họng. Một loại virus khác có trong nấm mốc ở váng dưa cà, dưa muối (chất váng trắng nổi lên khi muối dưa, cà) cũng có thể gây ung thư vòm họng.
“Cũng vì thế, các nhà y học đã khuyến cáo người dân khi ăn dưa, cà muối cần rửa sạch, không để dính váng” – PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn cho biết.
Nguy cơ gây ung thư gan
Thông tin cụ thể về vấn đề trên, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Viện Viện Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích trên tờ Zing News, khi dưa hoặc cà mới bị mốc nổi váng trắng, người ta vẫn có thể hớt bỏ váng, dùng nước ấm đã đun sôi rửa sạch để ăn. Tuy nhiên, khi chúng đã bị nổi váng vàng hoặc nấm đen tức đã xuất hiện các vi nấm độc hại (loại nấm aspergilus flavor). Vi nấm này sản sinh ra một loại độc tố có tên là aflatocin - có thể gây ung thư gan, tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim, phổi và sản sinh ra một số chất độc hại khác.
Gây ung thư dạ dày
Còn theo lý giải của BS Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, dưa muối có thể gây ra ung thư dạ dày và bệnh tăng huyết áp do để bảo quản bất kỳ loại thực phẩm nào bằng việc ngâm muối thì lượng muối trong đó cần ít nhất 5%. Nếu ăn quá nhiều dưa muối sẽ nạp một lượng lớn natri vào cơ thể, làm tăng nguy cơ cao huyết áp và nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe. Nhất là khi dưa muối đã nổi váng thì càng nguy hiểm hơn.
Gây ung thư đại tràng
Về thông tin ăn dưa cà muối gây ung thư, bác sĩ Cường- Chuyên khoa Nội, Bệnh viện Bạch Mai nói, về cơ bản, dưa, cà muối vẫn là một món ăn tốt trong thực đơn hàng ngày nếu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, song trong một số trường hợp, chúng là trở nên độc hại, thậm chí chính là tác nhân gây ung thư. Thực tế đã có tài liệu nói về việc gây ung thư đại tràng khi ăn dưa cà muối song thực chất vẫn chưa có báo cáo và thống kê chính thức về việc này. Chúng tôi chỉ khuyến cáo các bệnh nhân có bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng nên hạn chế ăn món ăn này chứ không cấm.
Do đó theo các chuyên gia, dù ngon miệng nhưng dưa cà muối cũng vẫn không tốt cho những người bị đau dạ dày, người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh gan, người có bệnh về đường tiêu hóa, phụ nữ mang thai và trẻ em là những đối tượng không nên ăn dưa cà muối.
Trong đó, với phụ nữ mang thai, dường như đường tiêu hóa của mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn, nhất là khi nghén, trong khi dưa chua có thể trở thành một thực phẩm kích thích, làm tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn. Hơn nữa, mẹ bầu sẽ không chắc chắn về độ an toàn của các thực phẩm và các chất phụ gia có thể thêm vào dưa muối có ảnh hưởng như thế nào đến thai phụ và em bé trong bụng.
Minh Anh (TH)
Nguồn Trang thông tin điện tử Khỏe 365

Back To Top