5/9/2016 11:12:04 AM
Nhiều hoạt động thiết thực
Ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (NLTS - thuộc Sở NN-PTNT), cho biết: Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, kể cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (SXKD) và người tiêu dùng (NTD), phổ biến pháp luật về VSATTP, được Chi cục tăng cường với nhiều hình thức phong phú. Ngoài việc thường xuyên phối hợp kiểm tra hướng dẫn chuyên môn tại các cơ sở SXKD, Chi cục đã tổ chức 22 lớp tập huấn nghiệp vụ, xác nhận kiến thức về ATTP cho hơn 430 lượt người; phát hơn 1.000 tờ rơi tuyên truyền một số quy định về điều kiện đảm bảo ATTP trong SXKD.
Việc kiểm tra xếp loại theo thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT đã được Chi cục chủ động triển khai và phối hợp với các đơn vị liên quan; các địa phương thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra xếp loại, kiểm tra định kỳ tại 786 cơ sở sản xuất NLTS, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đã kiểm tra 149 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 25 cơ sở với tổng số tiền phạt 62,6 triệu đồng; kiểm tra chuyên ngành tại 75 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở với tổng số tiền phạt 10,5 triệu đồng.
Công tác kiểm soát cảnh báo dư lượng các chất độc hại và kháng sinh cấm trong sản phẩm NLTS trong năm 2015 tăng 60% so với năm 2014. Chi cục đã lấy 88 mẫu gồm tôm, rau, thịt và sản phẩm từ thịt gửi đi phân tích, kết quả cho thấy 100% mẫu không phát hiện các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường, dư lượng hóa chất, kháng sinh hạn chế hoặc cấm sử dụng; có 11,4% mẫu vượt ngưỡng cho phép về chỉ tiêu vi sinh và 2,2% mẫu vượt ngưỡng cho phép về chỉ tiêu chất bảo quản.
Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016; đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương chủ trì thanh tra, kiểm tra trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát. Kết quả, có 1.611 cơ sở, đạt 85,8% so với số được kiểm tra, đảm bảo các điều kiện ATTP theo quy định; có 33 cơ sở bị xử phạt, chiếm 1,8% số cơ sở được kiểm tra; 1 cơ sở bị cảnh cáo; 233 cơ sở được nhắc nhở.
Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước mắm tại các cơ sở kinh doanh để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, kết quả kiểm nghiệm cho thấy chất lượng sản phẩm không đạt so với hồ sơ công bố chất lượng của đơn vị sản xuất, và đã tiến hành xử lý theo đúng quy định; tiến hành 111 test nhanh chất lượng sản phẩm tại cơ sở về chỉ tiêu hàn the, phẩm màu, foocmon nhưng cho kết quả âm tính.
Vẫn còn những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo ATTP ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế. Ông Hồ Phước Hoàn cho rằng, cái khó là nhận thức của một số cơ sở SXKD và NTD về vấn đề VSATTP còn hạn chế. Thực tế kiểm tra cho thấy, một số tổ chức, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận nên vẫn đưa ra thị trường các loại giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng; cố ý sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, chất phụ gia có nguồn gốc không rõ ràng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Nguyên nhân của những hạn chế nói trên chủ yếu là một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý chất lượng VSATTP; hình thức và mức độ xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; nhận thức về chất lượng VSATTP của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng chưa có hệ thống thanh tra, kiểm nghiệm chuyên ngành về thực phẩm; nhân lực, phương tiện, kinh phí phục vụ cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu.
Cần giải pháp căn cơ, có hệ thống
Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, hướng tới mục tiêu giảm thiểu vi phạm về chất lượng vật tư cũng như vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cách làm phải hướng tới căn cơ, có hệ thống, xử lý tận gốc chứ không chạy theo tình huống.
Để tăng cường quản lý chất lượng VSATTP, theo giới chuyên môn, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP; nâng cao ý thức cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước - doanh nghiệp - NTD để bảo đảm chất lượng VSATTP. Qua đó, người dân được tiếp cận nhiều thông tin, làm thay đổi tư duy đối với người sản xuất và NTD, để VSATTP thực sự trở thành tiêu chí về nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín của các cơ sở SXKD thực phẩm.
Các cấp, các ngành liên quan cần tổ chức kiểm tra, thanh tra thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, nhất là đối với các cơ sở nuôi trồng, SXKD, dịch vụ thực phẩm, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; cảnh báo người dân về những nguy cơ ngộ độc thực phẩm...
Thực hiện xã hội hóa công tác quản lý chất lượng VSATTP, phát huy vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực cho công tác quản lý chất lượng VSATTP. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về VSATTP đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; tổ chức bộ máy quản lý chất lượng VSATTP từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm đáp ứng yêu cầu.