TÌNH HÌNH NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
1/6/2017 10:22:48 AM
Bình Định là một tỉnh duyên hải nam trung bộ, thời tiết tương đối khắc nghiệt. Nhiệt độ và độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm phát triển. Trong những năm gần đây, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Các ca ngộ độc lẻ tẻ đều được giám sát chặt chẽ. Cụ thể, năm 2011, có 1 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại huyện Phù Mỹ với 12 người mắc tại bếp ăn tập thể công ty khoáng sản Mỹ Đức thôn Hương Lạc- Mỹ Thành- Phù Mỹ, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm; năm 2012, đầu năm có 01 vụ ngộ độc thực phẩm (ngộ độc rượu ngâm thân cây nghi là cây lá ngón) xảy ra tại Huyện Hoài Ân với 18 người mắc, trong đó có 01 người chết; năm 2013, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm; năm 2014, xảy ra 05 vụ ngộ độc thực phẩm, tổng số 106 người mắc 106, 02 người chết nghi ngờ do uống rượu ngâm nhiều loại thân và rễ cây rừng chưa rõ loại; trong 02 năm 2015 và 2016, Bình Định không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Để hạn chế được các ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ và kiểm soát không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai các hoạt động đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Các đợt thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành trong các đợt cao điểm như Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và các đợt đột xuất trong năm ngoài việc phát hiện, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm có tác dụng răn đe còn có tác dụng tuyên truyền, giáo dục các quy định về an toàn thực phẩm với các cơ sở thực phẩm. Qua đó, các cơ sở thực phẩm hiểu biết hơn và tuân thủ đúng các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, các hoạt động truyền thông xuyên suốt trong năm góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức của những người làm dịch vụ thực phẩm và người tiêu dùng. Những thông tin, kiến thức hữu ích phát thanh trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh trong các đợt Tháng hành động vì ATTP, Tết trung thu, mùa bão lũ, tết Nguyên đán,… giúp người dân có kiến thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn.
Qua mùa bão lũ, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, người dân cần phải đảm bảo vệ sinh sau bão lụt bằng cách tổng vệ sinh các công trình nhà ở và công cộng. Đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, đặc biệt chú ý việc đảm bảo đun sôi nước trước khi uống. Xử lý, khử trùng nguồn nước trước khi sử dụng, nhất là nước trong ăn uống. Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước, do ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân để chế biến làm thực phẩm. Thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi. Tuân thủ 5 nguyên tắc về an toàn thực phẩm: Giữ gìn vệ sinh tốt; Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, chế biến thực phẩm đúng cách; Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; Sử dụng nước và nguyên liệu an toàn. Cụ thể:
- Nguyên tắc 1: Giữ gìn vệ sinh tốt. Giữ vệ sinh sẽ đảm bảo được thực phẩm không bị ô nhiễm các sinh vật, hóa chất độc hại và các yếu tố bên ngoài. Thực phẩm có thể được đảm bảo sạch sẽ bằng cách:
+ Giữ vệ sinh người chế biến thực phẩm;
+ Giữ vệ sinh cơ sở và thiết bị;
+ Không cho động vật gây hại và động vật khác lại gần thực phẩm;
+ Để hóa chất và cách biệt với thực phẩm;
+ Thực phẩm phải được bao gói, hoặc che đậy;
+ Không để thực phẩm sát sàn nhà.
- Nguyên tắc 2: Để riêng biệt thực phẩm chín và sống. Việc này để bảo đảm sinh vật gây ngộ độc trong thực phẩm sống không nhiễm sang thực phẩm chín. Không trộn lẫn thực phẩm cũ và mới (tươi) để các sinh vật gây ngộ độc trong thực phẩm cũ không lây nhiễm sang thực phẩm mới (tươi). Bảo quản thực phẩm sống và thực phẩm chín trong các dụng cụ chứa đựng riêng biệt. Không để thực phẩm sống lên trên thực phẩm chín.
- Nguyên tắc 3: Chế biến thực phẩm đúng cách. Nấu hay chế biến thực phẩm đúng cách đảm bảo các sinh vật gây ngộ độc có mặt trong thực phẩm sẽ bị tiêu diệt. Điều này cũng đảm bảo thực phẩm có chứa chất độc tự nhiên được nấu và chế biến đúng cách để đảm bảo an toàn.
- Nguyên tắc 4: Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn. Nếu thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ an toàn thì vi khuẩn gây ngộ độc không thể phát triển được trong thực phẩm. Nếu thực phẩm này chưa sử dụng ngay thì phải bảo quản lạnh (dưới 50C) hoặc bảo quản nóng (trên 600C) để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây ngộ độc trong thực phẩm. Nếu thực phẩm chín không thể bảo quản nóng, lạnh hay lạnh đông, thì thực phẩm này không được bảo quản quá 4 tiếng. Sau 4 tiếng, số lượng vi khuẩn gây ngộ độc có thể phát triển tới mức độ nguy hiểm.
- Nguyên tắc 5: Sử dụng nước và nguyên liệu an toàn. Nước sạch là cần thiết để bảo đảm thực phẩm sẽ không bị nhiễm sinh vật, hóa chất độc hại từ nước. Nước đun sôi là nước an toàn. Nước máy đã qua xứ lý thì đó là nước an toàn. Nước mưa được hứng trong các thùng chứa sạch cũng là nước an toàn, với điều kiện không để cho chim và các động vật khác xâm nhập vào thùng đựng nước. Nước được lấy trực tiếp từ sông và kênh chắc chắn không an toàn. Nước lấy từ giếng cũng có thể an toàn, nhưng phải kiểm nghiệm trước khi dùng. Nguyên liệu an toàn là rất cần thiết để bảo đảm nguyên liệu không chứa sinh vật, hóa chất độc hại, độc tố nấm mốc và phụ gia thực phẩm không an toàn. Lựa chọn thực phẩm an toàn bằng cách:
+ Mua thực phẩm ở những nơi tin cậy.
+ Khi mua và sử dụng thực phẩm cần phải:
* Chọn nguyên liệu tươi, không bị hỏng;
* Không chọn thực phẩm bị mốc;
* Không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ;
* Đảm bảo bao bì thực phẩm không bị hỏng; ví dụ, thực phẩm đóng hộp không bị méo, rỉ hoặc phồng;
* Không mua thực phẩm kém chất lượng hay mùi và hình dáng bên ngoài không bình thường;
* Không mua và sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục;
* Chỉ mua phụ gia thực phẩm nếu trên nhãn có các thông tin: Tên phụ gia, tên và địa chỉ nơi xuất, nhập khẩu; Hướng dẫn sử dụng và liều lượng; Luôn tuân theo hướng dẫn trên nhãn.
Đảm bảo an toàn thực phẩm ngoài sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cần sự đồng thuận và hưởng ứng của mỗi người dân. Ý thức và kiến thức của cơ sở thực phẩm, những người làm dịch vụ thực phẩm, người tiêu dùng cùng với sự nỗ lực trong các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước sẽ ngăn ngừa được ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe, góp phần vào việc phát triển kinh tế của tỉnh nhà./.