Tt

NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM

5/13/2020 1:44:55 PM


An toàn thực phẩm (ATTP) tác động trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng con người, các quốc gia đều đặc biệt quan tâm. Việc bảo đảm ATTP có ý nghĩa quan trọng, vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến con người, mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, chính trị, quan hệ quốc tế, về lâu dài còn ảnh hưởng đến giống nòi dân tộc Việt Nam.
Hiện trạng trên địa bàn tỉnh ta còn tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm ATTP nhất là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp; hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi; việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa triệt để; trong trồng trọt nông sản bà con nông dân còn có thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, hàm lượng, không rõ nguồn gốc, tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn cao, nguy cơ gây độc hại.
Việc quản lý, ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả của các cơ quan chức năng còn hạn chế; việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có vi phạm pháp luật thương mại điện tử, nhất là trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.
Việc thực thi pháp luật còn yếu, nhận thức, ý thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh, cung ứng sản phẩm thực phẩm và các cấp chính quyền về ATTP có phần hạn chế.
Làm sao, làm gì, làm thế nào? Để tăng cường vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình dịch COVID-19 đang xảy ra.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Bình Định xin có đề nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các cấp chính quyền cần:
- Chú ý phát triển các vùng sản xuất rau, quả, nông, thủy sản, thực phẩm an toàn, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Quản lý bảo đảm ATTP đối với các làng nghề thực phẩm, chợ dân sinh thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.
- Đối với những cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín; nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến thức ăn sẵn; căn tin và bếp ăn tập thể, cần phải kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATTP theo những quy chuẩn, quy định đối với thực phẩm theo pháp luật về ATTP, để bảo đảm thực phẩm an toàn cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh, cung ứng thực phẩm phải thực hiện các điều kiện sau:
- Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
- Có đủ nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Có thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, ô nhiễm thực phẩm;
- Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
- Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua, bán bảo đảm an toàn trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
- Thực hiện nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.
Đối với người tiêu dùng chúng ta cần phải biết thực phẩm an toàn là thực phẩm  không bị ô nhiễm bởi các tác nhân sinh học, hóa học, vật lý có thể gây ngộ độc cho người tiêu dùng;
 Người tiêu dùng thông minh cần biết và thực hiện 10 nguyên tắc vàng phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:
- Thực hiện “ăn chín, uống sôi”; ngâm kỹ, rửa sạch rau, quả khi sử dụng;
- Ăn ngay thức ăn vừa nấu xong;
- Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín;
- Đun kỹ thức ăn trước khi sử dụng lại;
- Thức ăn chín, sống phải để riêng, không dùng lẫn lộn dụng cụ chế biến;
- Rửa tay, tẩy trùng trước khi chế biến và trước khi ăn;
- Giữ dụng cụ chế biến luôn khô sạch;
- Không ăn thức ăn bị ôi thiu;
- Chế biến thức ăn bằng nguồn nước sạch hợp vệ sinh.
Chúng ta hãy chung tay triển khai thực hiện thành công và hiệu quả “Tháng hành động vì ATTP” năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Nguyễn Thanh Sơn 

Back To Top