Tt


  • Trần Thị Thanh Thảo 10/12/2016 10:05:37 AM Tôi vừa sản xuất nem chả và vừa kinh doanh các mặt hàng thực phẩm như bia rượu, nước giải khát thì tôi cần đến cơ quan nào để làm các hồ sơ thủ tục đúng theo quy định ?
  • CCVSATTTP Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xin trả lời như sau:
    Theo Khoản 10, Điều 36, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: “Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính”. Vì vậy bạn liên hệ Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hoặc Sở Công thương để được hướng dẫn làm các hồ sơ thủ tục đúng theo quy định.
  • Nguyễn Thanh 10/12/2016 10:01:13 AM Tôi ở Hoài Nhơn muốn sản xuất Nem chả thì tôi phải liên hệ với cơ quan nào để làm các thủ tục giấy tờ và quy trình làm các thủ tục giấy tờ đó như thế nào?
  • CCVSATTTP Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xin trả lời như sau:
    Theo Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này”. Sản xuất nem chả thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vì vậy bạn liên hệ Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (hoặc Phòng Nông nghiệp huyện Hoài Nhơn) để được hướng dẫn làm các hồ sơ thủ tục giấy tờ theo quy định.
  • Trần Thị Trang 10/12/2016 10:00:50 AM Vừa rồi, tôi mua sữa hộp Cô gái Hà Lan cho con. Vài ngày sau, hộp sữa tự nhiên phình to, hộp biến thành hình trụ. Việc này, tôi khiếu kiện ở đâu? Công ty sữa đó có bồi hoàn cho chúng tôi không? Cho tôi biết quy trình làm thủ tục?
  • CCVSATTTP Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xin trả lời như sau:
     Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Luật An oàn thực phẩm năm 2010:Người tiêu dùng thực phẩm có các quyền sau đây:
    a) Được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm;
    b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật;
    c) Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
    d) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
    đ) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.
    Theo quy định trên bạn đến cơ sở kinh doanh bán sản phẩm cho bạn để được bồi hoàn sản phẩm. Trường hợp cơ sở kinh doanh không chịu bồi hoàn thì bạn đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Định để được hướng dẫn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạntheo quy định của pháp luật.
  • Phan Trúc Linh 10/12/2016 10:00:22 AM Xin cho em được hỏi, hiện nay tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất và việc sử dụng quá nhiều hóa chất, có khi cả hóa chất cấm sử dụng mà liều lượng sử dụng vượt quá liều lượng cho phép. Vậy bằng cách nào có thể tránh được sự ngộ độc thực phẩm, trong khi nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến sẵn hiện nay gia tăng do nhu cầu cũng như tiến độ phát triển của xã hội.
  • CCVSATTTP Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xin trả lời như sau:
    Hiện nay ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về  vệ sinh ATTP của các chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được nâng cao, các cơ sở đã chú trọng cải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, đảm bảo điều kiện về con người, sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số cơ sở vì bất chấp lợi nhuận mà coi thường sự quản lý của các cơ quan chức năng như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, con người chưa đảm bảo; sử dụng các hóa chất cấm và phụ gia quá liều lượng cho phép trong quá trình sản xuất, bảo quản thực phẩm… Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện cơ sở sai phạm chúng tôi đều có hướng xử lý theo quy định.
    Vì vậy, bản thân bạn và gia đình cũng phải là người tiêu dùng thông thái để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Nên lựa chọn, mua và sử dụng thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác, thực phẩm còn hạn sử dụng; tránh sử dụng các thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt lưu ý trong việc bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm, có dụng cụ sơ chế, chế biến riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đúng cách, đúng theo quy định đặc thù của từng loại thực phẩm; và nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.
  • Phạm Thành Thái 10/12/2016 9:59:30 AM Hiện nay tôi đang sản xuất nem chả, thì phải sử dụng nguyên liệu thịt như thế nào mới đúng theo quy định của Nhà nước?
  • CCVSATTTP Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xin trả lời như sau:
    Đối với thịt gia súc: Nếu không có giấy kiểm dịch hoặc được đóng dấu kiểm soát giết mổ trên sản phẩm thì không khẳng định được thịt đó có đảm bảo an toàn hay không bảo đảm an toàn . Do vậy, bạn cần phải mua thịt đã được cơ quan thú y kiểm dịch, đóng dấu kiểm soát giết mổ trên sản phẩm để sản xuất nem chả.
  • Phạm Duy Hải 10/12/2016 9:58:15 AM Hiện nay tại Bình Định có rất nhiều người bán hàng rong trên vỉa hè, những người bán hàng rong này có áp dụng ATVSTP không? Cơ quan chức năng quản lý như thế nào đối với trường hợp này? Các cơ quan chức năng đã có biện pháp gì để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân chưa?
  • CCVSATTTP Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xin trả lời như sau:
    Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 có hiệu lực từ ngày 11/6/2011  giải thích như  sau: Thức ăn đường phố là thực phẩm chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong  thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong,  bày bán trên đường phố , nơi công cộng hoặc những nơi tương tự. Theo Điều 31 và Điều 32, Mục 5 được quy định tại Luật An toàn thực phẩm thì người bán hàng rong trên các vỉa hè điều phải tuân thủ theo các điều kiện quy định tại Luật này.
    Tại  Điều 33 tại Mục 5 của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm quy định đối tượng này thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân nhân các cấp, theo phân cấp đối tượng này do UBND cấp xã, phường thị trấn quản lý.
    Hàng năm UBND các xã, Phường, thị trấn chỉ đạo cho các Ngành liên quan như: Y tế, Nông nghiệp, Công thương phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức kiểm tra liên ngành  03 đợt cao điểm trong năm như Tết Nguyên Đán, Tháng Hành động vì ATTP và Tết Trung thu, Ngoài các đợt cao điểm địa phương còn tổ chức các đợt kiểm tra chuyên ngành trong năm tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn quàn lý.
  • Trần Anh Vũ 10/12/2016 9:57:22 AM
    Trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì những hành vi nào bị cấm?
  • CCVSATTTP
    Ông Lê Văn An - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP 
    Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xin trả lời như sau:
    Theo Điều 5 Luật An toàn thực phẩm quy định như sau :
    Điều 5. Những hành vi bị cấm
    1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.
    2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.
    3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
    4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
    5. Sản xuất, kinh doanh:
    a) Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
    b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
    c) Thực phẩm bị biến chất;
    d) Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép;
    đ) Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm;
    e) Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu;
    g) Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;
    h) Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy;
    i) Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.
    6. Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.
    7. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.
    8. Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.
    9. Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
    10. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
    11. Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.
    12. Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.
    13. Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.
  • Trần Trang 10/12/2016 9:56:17 AM Xin cho biết hiện nay có bao nhiêu cơ sở giết mổ tập trung?
  • CCVSATTTP
    Ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản - Sở NN&PTNT
    Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi như sau: 
    Hiện nay có 3 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung ở Quy Nhơn: 2, An Nhơn: 1. Về cơ sở giết mổ gia súc thì hiện nay ngành Nông nghiệp đang quy hoạch và xây dựng tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Tỉnh.
  • Võ Phúc Gia Huy 10/12/2016 9:55:47 AM
    Con tôi rất thích ăn vặt ở đường phố, vậy theo các cơ quan chức năng cơ sở nào để đánh giá ATVSATTP đối với những quán ăn vặt đường phố?
  • CCVSATTTP
    Ông Lê Văn An - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xin trả lời như sau:
    Những quán bán thức ăn sẵn trên hè phố thuộc loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, để đánh giá về ATVSTP loại hình trên phải áp dụng theo Điều 7 và Điều 8 Thông tư 30/2012/TT-BYT Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
    Để đánh giá khu phố, phường, xã đạt tiêu chí về ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố thì áp dụng theo Kế hoạch số 106/KH-BYT ngày 26/02/2013 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2013-2014 theo quy định tại thông tư 30/2012/TT-BYT.
  • Lê Thị Trà 10/12/2016 9:55:20 AM
    Mỗi sáng ở chợ, tôi thấy có cán bộ thú y cầm cái con dấu xanh đi tới các quầy thịt và lăn. Theo quan sát, cán bộ không hề cầm miếng thịt lên quan sát hay có dụng cụ kiểm tra. Xin hỏi, căn cứ vào đâu mà cán bộ kiểm định như thế? Chắc chắn rằng các thịt đó sẽ có loại không đạt chuẩn, cán bộ đó có chịu trách nhiệm trước pháp luật và người tiêu dùng khi thịt không chất lượng?
  • CCVSATTTP
    Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chi cục Thú y xin trả lời như sau:
    Thịt đảm bảo an toàn là thịt phải được kiểm tra, kiểm soát từ khâu đầu đến khâu cuối tại các cơ sở giết mổ tập trung theo Thông tư 60 và 61/2010/QĐ-BNN Ban hành quy trình giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tại Bình Định hiện nay chưa có các cơ sở giết mổ gia súc tập trung và UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, tổ chức, xây dựng lò mổ tập trung trên địa bàn toàn tỉnh, vì vậy trước mắt cán bộ Thú y được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và được thực hành hướng dẫn quan sát thịt bằng cảm quan (mắt) để phát hiện được các bệnh nguy hiểm, ví dụ bệnh Lở mồm long móng (bệnh này móng sẽ tróc ra, lưỡi, lợi  lở ra) hoặc bệnh lợn gạo thì sẽ nhìn thấy ấu sán giống như gạo sẽ rơi ra ngoài...để kiểm tra, trong điều kiện hiện tại bạn có thể yên tâm khi thịt đã được kiểm tra và đóng dấu. Hi vọng trong thời gian tới gia súc sẽ được giết mổ ở các cơ sở giết mổ tập trung. Xin cảm ơn.
Back To Top